Chương trình Tour du lịch Gia Lai – Kon Tum – Măng Đen

Ngày đăng: 26-03-2020 | 12:31 Chiều

Chương trình Tour du lịch Gia Lai – Kon Tum – Măng Đen (2 ngày 1 đêm)

Ngày 1:

Buổi sáng: Đón khách tại sân bay Pleiku và khởi hành đi tham quan một số điểm du lịch của Gia Lai:

Chùa Minh Thành: Là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Tây Nguyên. Chùa Minh Thành không chỉ là niềm tự hào của người dân phố núi mà còn là địa điểm tham quan hấp dẫn của Pleiku. Đặc biệt, không giống như những ngôi chùa khác mang đặc trưng của phật giáo Tiểu thừa, chùa Minh Thành chịu ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản. Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng. Trải qua những biến động của lịch sử, chùa Minh Thành đã trải qua nhiều đợt trùng tu và vẫn tiếp tục mở rộng cửa để đón thêm nhiều du khách đến tham quan. 

Chùa Minh Thành

Quảng trường Đại Đoàn Kết: Được mệnh danh là trái tim của Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết tọa lạc giữa trung tâm thành phố, gần quốc lộ 14 là một trong những công trình trọng điểm của thành phố Pleiku. Quảng trường rộng 12 ha, nổi bật với bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tựa lưng vào Hàm Rồng – mô phỏng đỉnh cao nhất của cao nguyên Pleiku. Phía sau tượng là bức phù điêu được tạc trên đá trắng, tái hiện khung cảnh và cuộc sống người dân Tây Nguyên. Trước khu tượng đài là những bãi cỏ được xén ô vuông như quảng trường.

Quảng trường Đại Đoàn Kết

Biển Hồ (hồ T’Nưng): Được mệnh danh là “đôi mắt Pleiku”, Biển Hồ là một hồ nước ngọt nằm ở phía Tây Bắc thành phố Pleiku, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km theo quốc lộ 14. Sở dĩ nơi đây có tên gọi là Biển Hồ vì mỗi khi có gió lớn, những cơn sóng lại nhấp nhô trên mặt hồ như sóng biển. Biển Hồ được xem là một trong những hồ nước có vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng nhất ở khu vực Tây Nguyên. Vào những ngày đẹp trời, nhìn từ xa Biển Hồ mê hoặc du khách với màu xanh bạt ngàn của nước biển và nghe thoảng trong gió là tiếng thông.

Biển hồ T’Nưng

 Buổi trưa: Quý khách khởi hành đến Kon Tum và ăn trưa tại TP Kon Tum.

Buổi chiều: Quý khách tham quan 1 số điểm du lịch tại TP Kon Tum.

Nhà thờ Gỗ Kon Tum: Nhà thờ chính tòa Kon Tum hay còn được gọi là nhà thờ Gỗ, được xây dựng vào năm 1913 do các linh mục người Pháp khởi xướng, hiện nay dùng làm nhà thờ chính tòa, nơi đặt ngai tòa của vị giám mục giáo phận Kon Tum. Nhà thờ này theo kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na – sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa của Tây Nguyên Việt Nam. Điều đặc biệt của công trình này là được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, không dùng bê tông cốt thép và vôi vữa để sơn trét. Hệ thống cột, rui mè ở đây được chạm khắc tỉ mỉ, công phu làm toát lên khí chất tự nhiên nhưng hào hùng của người dân bản địa.

Nhà thờ Gỗ

Cầu treo Kon Klor: Cây cầu nối liền hai bờ sông Đắk Bla huyền thoại. Từ trên cây cầu này, quý khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn không gian làng mạc, đồng lúa, ruộng ngô, bãi mía xung quanh cùng với dòng sông mải miết chảy ngay dưới chân cầu, du khách sẽ cảm thấy tâm hồn mình như thoáng đạt hơn. Đến đây, bạn có thể ghé thăm làng dân tộc Ba Na – Kon Klor, cùng uống với họ can rượu cần rồi lên đường vượt dòng sông qua cầu treo để đến một vùng đất phù sa trù phú. Đó là những vườn chuối, vườn cà phê và các loại cây ăn quả. Vượt con đường quanh co khoảng 6km sẽ đến làng Kon K’tu, một làng dân tộc Ba Na còn giữ nguyên được những nét sinh hoạt và cảnh vật thiên nhiên hoang sơ.

Cầu treo Kon Klor

Tòa giám mục Kon Tum: Tòa giám mục được xây dựng vào năm 1935 là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của dân tộc bản địa cùng với lối kiến trúc phương Tây. Ngoại trừ hàng trụ dưới sàn được xây bằng xi măng cốt thép thì toàn bộ phần còn lại của tòa nhà này được tạo nên từ các loại gỗ quý, có độ bền rất cao. Đặc biệt, tại đây có căn nhà truyền thống được coi như một bảo tàng nhỏ về vật dụng sinh hoạt, nông cụ, vật thể văn hóa các dân tộc bản địa đang sinh sống trên địa bàn.

Tòa giám mục Kon Tum

Sau đó quý khách khởi hành lên với đại ngàn Măng Đen và nhận phòng khách sạn.

Buổi tối: Khi màn đêm buông xuống, trong không khí của núi rừng Kon Plông với hương rượu cần. Quý khách cùng thưởng thức âm thanh của tiếng cồng chiêng với những bài ca, điệu múa của đội nghệ nhân huyện Kon Plông

Ngày 02:

Buổi sáng: Quý khách dùng điểm tâm sáng tại nhà hàng.

Tiếp tục hành trình, quý khách đi tham quan một số điểm trong Khu du lịch sinh thái Măng Đen:

Làng văn hóa Kon Bring: Tại đây quý khách sẽ tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán,… của người dân bản địa.

Làng du lịch cộng đồng Kon Bring

 Tượng Đức mẹ Măng Đen: Nơi được mệnh danh là rất linh thiêng, hàng năm đón hàng nghìn lượt khách đến viếng thăm.

 Khu du lịch sinh thái-văn hóa thác Pa Sỹ:

Khu du lịch thác Pa Sỹ

Là khu quần thể gồm:

+Khu vườn tượng: với hơn 100 bức tượng được đục thủ công bằng gỗ do các nghệ nhân người dân tộc bản địa làm nên.

+Khu Thác Pa Sỹ: dòng thác quanh năm tung bọt trắng xóa, xung quanh là những nhà chòi nhỏ cho du khách nghỉ ngơi và thưởng thức những món đặc sản của vùng tại đây.

+Nhà rông: là nơi giao lưu cồng  chiêng, lửa trại và là nhà nghỉ cộng đồng ở đây.

+Khu nhà trên cây: là khu nghỉ ngơi yên tĩnh bên dòng suối, xung quanh là cây rừng, cho ta cảm giác như được quay về thời tiền sử ngày xưa.

+ Các dịch vụ vui chơi giải trí: câu cá, tắm suối….

Buổi trưa: Quý khách thưởng thức các đặc sản của núi rừng Kon Plông như: gà nướng, cơm lam, heo rừng nướng xiên…và giao lưu hát cho nhau nghe tại khu du lịch sinh thái-văn hóa thác Pa Sỹ.

Buổi chiều: Quý khách tiếp tục tham quan các điểm du lịch khác như:

Chùa Khánh Lâm

Ngôi chùa tọa lạc ngay trên đỉnh đồi cao của núi rừng Kon Plông. Khánh Lâm nghĩa là chùa mang đến điềm vui, tin mừng của tinh thần độ thế về nơi núi rừng u nhã, u linh!

Hồ Đăk Ke: Một trong 7 hồ trong truyền thuyết ở Măng Đen, tại đây quý khách có thể tản bộ quanh hồ ngắm những cành hoa phượng tím (từ tháng 3 đến tháng 7), hoa sim tím ( từ tháng 5 đến tháng 9), hoa mai anh đào, hoa mimosa ( từ tháng 10 đến tháng 12), tham gia trò chơi đạp vịt, xe đạp nước… (chi phí tự túc).