Gia Lai là mảnh đất của những ngọn núi lửa triệu năm, ngoài ra còn có những hòn đá kỳ vĩ trở thành điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn.
Thôn Đại An 1, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, Gia Lai từ lâu nổi tiếng với ngọn núi Chư Pao. Từ quốc lộ 14 nối Gia Lai, Kon Tum nhìn lên sẽ thấy dãy Chư Pao sừng sững, với những tảng đá như người khổng lồ, hình thù độc đáo, lạ mắt. 2 năm trở lại đây, núi Chư Pao thành điểm du lịch mới của những người trẻ ưa thích khám phá mạo hiểm để biết thêm về lịch sử.
Anh Đào Hoàng Vũ – người dân ở thôn Đại An 1 cho biết: Để lên được dãy Chư Pao phải “cuốc bộ” hơn 30 phút, từ đỉnh núi phóng tầm mắt ra xa là những cánh đồng cà phê trải dài xanh mướt của người dân xã Ia Khươl.
Trên núi, từng tầng lớp hòn đá tảng xếp chồng lên nhau. Nhiều tảng đá lớn bằng phẳng, nhiều cây cổ thụ mọc xung quanh, rễ cây tua tủa bao bọc chằng chịt bám chặt rất độc đáo, đẹp mắt. “Trải qua thời gian, gió mưa, giông lốc đã bào mòn bề ngoài từng phiến đá để lộ vẻ đẹp ẩn giấu bên trong, vì đá có hình thù lạ mắt nên du khách đồn nhau kéo tới xem cũng vừa để ngắm cảnh đẹp ở Chư Păh”, anh Vũ chia sẻ.
Ông Ksor Túi – nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh cho biết, trên đỉnh Chư Pao có 2 tảng đá hình thù giống tượng Phật. Hàng năm, người dân trong xã Ia Khươl thường đến thắp hương khấn cầu năm mới bình an, mưa thuận gió hòa. Các nhà chùa cũng như du khách thập phương cũng ghé thăm 2 tảng đá hình ông Phật, tự tay sờ lên đá những mong cầu bình an, may mắn trong cuộc sống.
Năm 2021, tại huyện Chư Păh, giới khảo cổ học cũng phát hiện suối đã đĩa hình thành từ các đợt phun núi lửa, xếp chồng lên nhau độc đáo, gần giống với gành đá đĩa- Di tích Quốc gia đặc biệt ở vùng biển huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Với những phát hiện, khám phá mới về nét đẹp của đá, các địa danh như Chư Pao sẽ hình thành nên các tuyến, điểm trên cung đường văn hóa, du lịch ở Tây Nguyên.
Nguồn: Lao Động