Gia Lai-vùng đất giàu tiềm năng du lịch văn hóa
Ngày đăng: 12-09-2022 | 08:51 Sáng
Trường Sơn-Tây Nguyên là vùng đất duy nhất ở Việt Nam không có biển. Tuy nhiên, cảnh quan nơi đây có rất nhiều điểm thú vị và hấp dẫn. Cùng với đó, quá trình đấu tranh chống ngoại xâm và phát triển kinh tế đã đem lại vùng đất này sự đa dạng về tộc người. Riêng ở tỉnh Gia Lai, có 44/54 dân tộc sinh sống. Tính đa dạng về tự nhiên, dân tộc hình thành nên sự đa dạng mà thống nhất về văn hóa, tạo cho vùng đất này giàu tiềm năng du lịch văn hóa.
Du lịch qua lễ hội, tết truyền thống.
Văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên truyền thống của các tộc người Tây Nguyên tại chỗ gắn bó với môi trường rừng núi, đó là môi trường sống, sinh tồn của mỗi con người, mỗi buôn làng qua đời sống vật chất cũng như thế giới tinh thần của con người. Tín ngưỡng bái vật giáo với quan niệm vạn vật hữu linh hình thành ở họ hẳn “mùa tết” với “hệ thống” nghi lễ và hội hè, gọi chung là mùa Ning nơn, diễn ra tưng bừng cận trước và sau tết Nguyên Đán, theo qui mô họ tộc, cộng đồng làng. Có thể kể ra: Mừng lúa mới, Pơ thi, cúng Yàng Đăk (nước), Yàng cây, Yàng suối, Yàng rừng… Cùng với đó, vòng đời người Tây nguyên bản địa từ lúc sinh ra cho đến khi nằm xuống trải qua có rất nhiều nghi lễ. Đi kèm với lễ là hội. Những lễ quan trọng thì hội được tổ chức to cho cả cộng đồng làng tham dự. Mà cộng đồng làng đâu chỉ người trong gia đình, họ tộc, người cùng làng. Không gian cộng đồng được tính bằng phạm vi tiếng cồng chiêng vang vọng tới, là lời truyền tai từ người này đến người khác bất luận trẻ già, nam nữ…Thời đại 4.0, nhờ vào chiếc điện thoại, không gian của lời không còn giới hạn!
Đưa Vào hội là chiêng. Chiêng trẻ, chiêng già cùng nhau, thay nhau. Âm vang ngân dài theo cánh gió, va vào vách núi, vọng đến tận cõi Yàng… Và xoang, nhịp đung đưa, tay nắm tay nới rộng không ngừng. Cùng với chiêng, với xoang những nhân vật ngộ nghĩnh được hóa trang bằng mọi chất liệu có thể, cho người xem thả sức tưởng tượng. Còn có đội hình đi cà kheo nhún nhảy cho hoạt cảnh ngày hội thêm vui nhộn.
Trong cái nắng gió Tây nguyên khoáng đạt, quanh ngôi nhà rông kỳ vĩ hay khu nhà mồ trầm mặt dấu thời gian đi qua lễ hội diễn ra tưng bừng hẳn sẽ thu hút khách phương xa muốn dừng chân không chỉ một lần!
Du lịch sinh thái, lịch sử.
Thiên nhiên phong phú, đa dạng với núi thẳm lô nhô, đèo cao khúc khủy; nhiều sông suối, hồ tự nhiên, nhân tạo, thác nước; rừng nguyên sinh bạt ngàn; làng đồng bào nguyên sơ đẹp đến mê hồn; hệ thống những di tích lịch sử đậm chất sử thi và hiện đại được bảo tồn, tôn tạo cùng 2 miền khí hậu khá rõ nét giữa hai miền Đông-Tây dãy Trường Sơn là lợi thế du lịch sinh thái, thăm quan di tích lịch sử, với du lịch thăm làng ở Gia Lai.
Các huyện phía Đông có nhiều di tích gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm, dẹp nội loạn của dân tộc. Đó là quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, gồm: Lũy An Khê, An Khê Trường, Gò chợ, Miếu Xà, Nền nhà Ông Nhạc, Kho tiền Ông Nhạc, hòn đá Ông Nhạc, Cánh đồng vườn mít Cô Hầu… Cùng với đó là những câu chuyện lịch sử, đậm chất dân gian, nhuốm màu huyền thoại về bước đầu dựng nghiệp của nhà Tây Sơn. Tuy quần thể di tích nằm rải rác, đường đi lối lại khó khăn, di vật bảo tồn dưới dạng bản gốc không còn nhiều nhưng vẫn thu hút du khách bởi theo nghĩa lớn hơn, giáo dục lịch sử về một vùng đất thiêng, mối quan hệ đoàn kết gắn bó của nhân dân miền xuôi với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Đó là Tượng đài Chiến thắng Đak Pơ-“Điện Biên Phủ của Liên khu 5”. Thăm quan Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, du khách tự hào trận đầu đánh thắng giặc Pháp không chỉ ở Tây Nguyên mà mang tầm vóc của Liên khu 5!
Đến với Đền tưởng niệm Liệt sỹ Kanak, bài học lòng tri ân, đạo lý uống nước nhớ nguồn từ gần 300 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc hẳn sẽ chảy tràn trong huyết quản thế hệ công dân hôm nay và mai sau.
Căn cứ địa cách mạng của Tỉnh – Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang) được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh vào năm 2007 thật sự là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau; đồng thời, là một trong những điểm văn hóa, lịch sử đưa vào khai thác loại hình du lịch về nguồn nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử của dân tộc, nâng cao đời sống người dân nơi đây.
Nhà tưởng niệm Anh hùng Núp-Làng kháng chiến Stơr là địa điểm du khách tìm đến để tưởng nhớ về người anh hùng dân tộc đã lãnh đạo cộng đồng làng Bahnar từ tự phát đến tự giác tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng nhân dân cả nước kết thúc thắng lợi vĩ đại.
Nói về du lịch sinh thái, phải nhắc đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp gồm nhiều thác nước, đỉnh núi cao nhất trên cao nguyên Pleiku và được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Gia Lai; những dòng suối trong lành, thơ mộng và những cánh rừng nguyên sinh hầu như chưa bị tác động bởi con người…
Du lịch Gia Lai còn nhiều địa chỉ khác, là những cánh đồng lúa nước mênh mông, rẫy cà phê, hồ tiêu, nương mía, đồi chè, rừng cao su bạt ngàn cùng với những bản làng kiến trúc nguyên sơ, nếp sống đậm chất văn hóa bản địa sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách.
Khám phá Gia Lai và các tỉnh miền Trung trong hành trình tour du lịch Tây Nguyên – Với giá chỉ 2.990.000đ.
Nguồn : dulichpleiku.gialai.gov.vn