Lễ hội tiêu biểu tại Gia Lai
Ngày đăng: 08-02-2020 | 22:14 Chiều
Nằm trên địa bàn chiến lược ở khu vực bắc Tây Nguyên, Gia Lai là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, đa dạng về thành phần cư dân và nền văn hóa cổ xưa mang bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Dù trải qua biết bao biến đổi của lịch sử, trên mảnh đất Gia Lai vẫn duy trì một nền văn hóa đa dạng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên bản địa.
Lễ hội
Chiếm đại đa số dân cư lâu đời ở Gia Lai phải kể đến hai dân tộc Jrai và Bahnar. Theo những tài liệu dân tộc và khảo cổ học thì có thể giả định địa bàn cư trú gốc của người Jrai là cao nguyên Pleiku và lưu vực hai con sông Ayun và sông Ba. Người Jrai và Bahnar không chỉ là hai dân tộc đông nhất, có ý thức rõ về địa vực cư trú mà còn có những tác động nhất định đối với đời sống văn hóa của các dân tộc khác trong khu vực.
Hội làng Kbang. Ảnh: Trần Phong |
Nhắc đến Gia Lai là nhắc đến văn hóa cồng chiêng, đến nghệ thuật văn hóa nhà rông, đến điêu khắc tượng gỗ, đến nhà mồ và các lễ hội đâm trâu, lễ hội bỏ mã và các điệu múa xoang của người Jrai, Bahnar trong tiếng nhạc cồng chiêng trầm hùng, sôi động.
Cho đến nay, Gia Lai vẫn là nơi bảo lưu những yếu tố văn hóa cổ truyền độc đáo, thể hiện rõ nét nhất là trong những hoạt động nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, múa hát. Vùng đất này cũng đã là nơi lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian với những truyền thuyết đã ăn sâu vào tiềm thức con người.
Tiếp nối văn hóa từ thời đại đồ đá, bề dày lịch sử – văn hóa Gia Lai đã được minh chứng bằng hàng loạt di tích, di vật là dấu ấn của nhiều thời đại như trống đồng An Thành, những di vật văn hóa Chăm Pa, di vật liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo và gần đây là hình ảnh, hiện vật về cuộc đấu tranh của nhân dân Gia Lai dưới sự lãnh đạo của Đảng chống đế quốc và thực dân.
Trong số những di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn, hiện nay Gia Lai đã có 12 di tích và cụm di tích đã được Bộ Văn Hóa – Thông Tin cấp bằng công nhận. Số lượng di tích tuy không nhiều nhưng phản ánh khá rõ nét tiến trình lịch sử cũng như cảnh quan thiên nhiên của địa phương, điển hình là những di tích về cách mạng kháng chiến như làng kháng chiến Stơr – quê hương anh hùng Núp, chiến thắng Đak Pơ, hoặc các di tích văn hóa khác như di tích Biển Hồ mà hiện nay đang được ngành du lịch khai thác, thu hút khá nhiều du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.
Lễ hội Đâm trâu (Bahnar). Ảnh: Trần Phong |