Nhân vật lịch sử tiêu biểu tại Gia Lai
Ngày đăng: 08-02-2020 | 22:08 Chiều
Đinh Núp
Đinh Núp (1914 -1999), sinh ngày 2 tháng 5 năm 1914 (Giáp Dần) tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện KBang, tỉnh Gia Lai, người dân tộc Bahnar, là một nhân vật lịch sử Việt Nam.
Từ khi đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên, thực dân Pháp vẫn sử dụng chính sách cai trị hà khắc, tàn độc áp đặt lên vùng đồng bào các dân tộc, từ lâu vốn đã rất nghèo khó. Với tinh thần căm thù giặc sâu sắc, năm 1935 Đinh Núp tham gia cách mạng, cũng trong năm đó, trong một lần quân Pháp về làng bắt phu, dân làng lánh hết vào rừng, một mình ông ở lại dùng nỏ bắn Pháp chảy máu để chứng minh với dân làng rằng Pháp cũng là người, có thể chống lại được. Ông đã từng trốn vào rừng dùng vũ khí tự tạo (nỏ) bắn chết một tên lính Pháp. Tại làng Stơr với cương vị là Thôn đội trưởng, ông đã phát động và lãnh đạo bà con dân làng đứng lên đánh Pháp, mô hình “làng kháng chiến” trên chiến trường Gia Lai ra đời từ đấy. Trong giai đoạn 1945 – 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tinh thần chiến đấu ngoan cường của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hệ thống mô hình làng kháng chiến ngày càng lớn mạnh.
Lịch sử Đảng bộ Gia Lai đã ghi: “Trước cách mạng tháng 8-1945, ông đã chỉ huy thanh niên làng Stơr tổ chức dân làng chiến đấu chống Pháp xâm lược gìn giữ núi rừng, buôn làng…, bằng những vũ khí đơn sơ như: Chông tre, bẫy đá, cung tên… đã tiêu diệt hàng trăm tên địch, nêu tấm gương sáng chói cho các dân tộc Tây Nguyên noi theo, đứng lên chống giặc ngoại xâm gìn giữ quê hương, đất nước. Từ tháng 9-1950 đến tháng 2-1951 quân Pháp đã tổ chức 10 cuộc hành quân đánh lên làng STơr, có lần (12-1950) chúng đã sử dụng tới một lực lượng gồm 400 quân vây quét, suốt lúa, phá rẫy, đốt làng, quyết phá cho được dấu tích làng Stơr. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng và thôn trưởng Núp, dân làng Stơr đã dựa vào núi rừng hiểm trở, tổ chức đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch”.
Cuộc đời cách mạng của ông đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử, ông là người Tây Nguyên đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, là người được bạn bè quốc tế mến phục.
Sau hiệp định Genève 1954, ông cùng đơn vị tập kết ra miền Bắc một thời gian rồi trở về tham gia đánh Mỹ ở Tây Nguyên.
Năm 1955, được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam.
Năm 1963, ông trở về Nam chiến đấu. Năm 1964, Đinh Núp thăm Cộng hòa Cu Ba theo lời mời của Chủ tịch Fidel Castro.
Các chức vụ đã đảm nhiệm:
– Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh Gia Lai – Kontum (1976),
– Đại biểu Quốc hội khóa VI (1976 – 1981),
– Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI (1976 – 1981).
Làng Stơr và Anh hùng Núp đã thực sự trở thành biểu tượng của “Đất nước đứng lên” mà tiếng vang còn vọng đến tận Tây bán cầu. Ông là nhân vật chính, nguyên mẫu trong bộ tiểu thuyết Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, tác phẩm này đã được dựng thành phim.
Ông mất ngày 10 tháng 7 năm 1999 (Kỷ Mão) tại Gia Lai; hưởng thọ 86 tuổi.
Danh hiệu Tôn vinh:
– Ngày 3 – 8 – 1955, ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
– Huy hiệu Hồ Chí Minh.
– Ông được tặng thưởng các huân chương Quân công hạng ba và huân chương chiến công hạng nhất.
Ngày 23-3-1993, làng Stơr đã được Bộ VH-TT cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa: Làng Kháng chiến Stơr.
Khu Lưu niệm Anh hùng Núp tại làng Sơtơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, theo quyết định phê duyệt, tổng diện tích của khu lưu niệm là hơn 5 ha, gồm 26 hạng mục như: Nhà lưu niệm 2 tầng, khu nhà sàn, tượng, khu mộ tượng trưng, khu nhà thủy tạ và các hạng mục khác… Công trình khởi công vào cuối quý II – 2009 và hoàn thành vào năm 2011. Khu tưởng niệm Anh hùng Núp hoàn thành cùng với các công trình lịch sử văn hóa về thời Tây Sơn Thượng đạo và các danh lam thắng cảnh khác sẽ hình thành một tour du lịch khép kín từ Thành phố Pleiku đến các huyện Kbang, thị xã An Khê và huyện Kông Chro.
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945 – 2005
Bách khoa Toàn thư Việt Nam
Nay Der
Nay Der(1895-1987), dân tộc Jrai, được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở vùng Ơi Nu, nay thuộc huyện Krông Pa.
Cha mẹ mất sớm, tuổi thơ của ông trải qua không biết bao gian khó, nhưng với đức tính thông minh, chăm chỉ, ông từng bước vượt qua ranh giới của buôn làng để tìm đến với “con chữ”- khái niệm mà lâu nay người Jrai chưa hề có. Với niềm khao khát được học, được biết chữ, ông đã vượt qua mọi gian khó và vươn lên trong cuộc sống bấy giờ.
Đến đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, Nay Đer học xong chương trình sơ học yếu lược và trở thành người trí thức đầu tiên của đồng bào dân tộc Jrai. Ông là người thầy giáo, nhà trí thức cách mạng đầu tiên của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai, người đã sáng lập ra bộ chữ viết Jrai, suốt đời đem hết tâm huyết phục vụ, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của Gia Lai nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Ông đã được nhà nước phong tặng nhiều huân-huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Năm 1987 ông qua đời, để lại một tài sản vô cùng quý giá đối với dân tộc, với quê hương. Dẫu năm tháng đã qua đi nhưng bộ chữ viết Jrai vẫn trường tồn, tên của người thầy giáo Nay Đer vẫn luôn trong tâm thức của chúng ta trong mỗi người con Jrai.
Tháng 12 năm 2007, tỉnh Gia Lai thành lập Quỹ học bỗng mang tên người con ưu tú của dân tộc Jrai:”Quỹ học bổng Nay Der”, số tài khoản: 942.07.00.00001 tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai với mục đích khuyến học, khuyến tài nhằm hỗ trợ cho những học sinh, sinh viên của tỉnh có thành tích xuất sắc trong học tập; học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi. Tỉnh Gia Lai đã thành lập Ban Vận động Quỹ họcbổng Nay Der. Các nguồn huy động vào Quỹ gửi ở Ngân hàng, được bảo lưu số gốc; số tiền lãi hàng năm được sử dụng để hỗ trợ cho những học sinh, sinh viên của tỉnh Gia Lai có thành tích xuất sắc trong học tập; học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi.
Vì sự nghiệp khuyến học khuyến tài của tỉnh Gia Lai, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm,những tấm lòng vàng, với lòng nhân ái, ủng hộ chủ trương này một cách thiết thực, bằng nhiều hình thức đóng góp, ủng hộ vào “Quỹ học bổng NayDer” để thực hiện mục tiêu của Quỹ.
Nguồn: Thư Ngỏ ngày 26-12-2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
Wừu
Bìa cuốn sách “Bok Wừu” do Sở Văn hóa- Thông tin Gia Lai-Kon Tum xuất bản năm 1993, tranh vẽ của Trần Thọ và Xu Man. |
Wừu, người dân tộc Bahnar, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Hành chính, kiêm Xã đội trưởng làng Đeđoa, xã Nam Đak Đoa, huyện Pleikon, tỉnh Gia Kon, nay là xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.
Wừu là người con ưu tú, tiêu biểu của dân tộc Bahnar vùng Đak Đoa, người đảng viên kiên trung, bất khuất, mưu trí, dũng cảm, một tấm gương sáng về tinh thần kiên trì vận động quần chúng bám đất bám làng, phát triển du kích chiến tranh đánh địch, giữ vững phong trào trong những lúc khó khăn, ác liệt nhất. Ông đã bị giặc Pháp bị bắt ba lần, lần nào cũng dõng dạc: “Cán bộ hả? Có dân là cán bộ. Ai cũng là cán bộ cả. Tao không biết nói tên ai. Tao chỉ biết nói tên tao:Wừu!”. Hai lần đầu ông đều mưu trí trốn thoát, đến lần thứ ba (tháng 4 – 1952) rơi vào tay giặc, bị tra tấn dã man tại làng, người bê bết máu, 2 tay bị xích chặt, quá căm giận ông hét lớn trước bọn Tây: “Chúng mày muốn tìm Việt Minh à? Ai cũng là Việt Minh. Tất cả người Bahnar đều là Việt Minh”, sau đó giặc giải ông về Kon Tum tiếp tục tra tấn, rồi lại đưa về Đak Đoa bắt nhận mặt cán bộ do tên Thông phản bội khai báo. Ông và số cán bộ xã bị bắt nhất quyết không khai báo gì mà còn kêu gọi dân làng: Đừng sợ! Hãy căm thù và đoàn kết đấu tranh, diệt cho hết lũ “ayat” (bọn giặc cướp nước). Địch đã giết bok Bao dọc đường, bok Hơp, bok Bơu bị bắn ở đầu làng. Còn ông bị giặc đưa về làng bắt vợ con và dân làng chứng kiến cảnh tra tấn dã man.Chúng xẻo 2 tai, xẻo mũi và chặt 10 ngón tay, ông đã ngất xỉu giữa sân làng nhưng kiên gan không hề tỏ ra nao núng sợ chết.
Biết mình sẽ chết, ông lập mưu “dẫn địch vào căn cứ” để đánh Việt Minh ở Kon Kring. Địch lọt vào khu vực bố phòng ở phía tây Dốc Dồm, rơi xuống hầm chông. Căm tức lồng lộn, chúng đưa ông tới bờ suối Đak Pkei bắn chết và móc cả hai mắt.
Những tội ác tày trời của giặc và tinh thần kiên trung, bất khuất, hy sinh quả cảm của ông đã truyền đến các buôn làng, nung nấu thêm ý chí căm thù diệt địch của bộ đội và nhân dân trong vùng. Quyết trả thù cho ông, bộ đội C1 đã tổ chức chống càn, diệt toán lính đồn Đak Đoa và bắt sống tên đội Wit tại đồng ruộng làng Đe Gir.
Với tấm lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc của người con dân tộc Bahnar trung hậu, kiên cường, ngày 7 – 5 – 1956 ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên dương: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945 – 2005
Kpă Klơng
Tượng đài Kpă Klơng ở TP. Pleiku. Ảnh: T.H |
Kpă KLơng hay Kpa Kơ lơng (1948-1975), sinh ngày 19 – 8 – 1948 tại làng Pia, khu 5 (nay là xã Piar, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai),người dân tộc Jrai, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kpă Klơng tham gia du kích từ khi mới 13 tuổi, ông đặc biệt giỏi đánh địch bằng cách đặt mìn, cài chông, gài thò. Năm1965, khi mới 17 tuổi ông nhập ngũ và làm trinh sát cho bộ đội khu 5 (Chư Prông). Ông nổi tiếng với biệt tài bắn “xuyên táo” diệt địch bằng súng trường, ông thường chọn những điểm cao, bình tĩnh chờ địch đến gần mới bắn và có thể nổ súng giết nhiều kẻ địch với ít viên đạn. Ông là đại diện tiêu biểu cho phong trào “Tuổi trẻ chí lớn” của thanh niên Gia Lai.
Theo Bách khoa Toàn thư Việt Nam, năm 13 tuổi, Kpă Klơng xin tham gia du kích nhưng không được vì tuổi còn nhỏ. Tức giận, ông chỉ dùng cung tên mà đã giết được 3 tên lính địch nên được nhận vào đội du kích. Xã đội trưởng Kpuih Blang đưa cho ông 3 viên đạn và một cây súng các-bin và yêu cầu phải lấy được 3 đầu giặc. Ông ra phục bắn 2 phát tiêu diệt 7 tên địch làm bị thương 1 tên, còn 1 viên đạn mang về trả cho xã đội trưởng. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thử thách ông đã được tham gia vào đội du kích xã. Ông tham gia chiến đấu tất thảy 32 trận, diệt 124 địch (trong đó có 6 lính Mỹ), phá huỷ 7 xe quân sự và là chiến sĩ trinh sát gan dạ, bắn giỏi đồng thời là một trong những người diệt nhiều địch nhất trên chiến trường Tây Nguyên.
Ngày 17 – 9 – 1967, Kpă Klơng được Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.
Tên ông đã được đặt cho một trường trung học cơ sở ở xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, Gia Lai và một đường phố, một vườn hoa ở Gia Lai. Ngoài ra, tên ông còn đặt cho một giải chạy việt dã định kỳ do tỉnh Gia Lai tổ chức.
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945 – 2005
Bách khoa Toàn thư Việt Nam
Y Đôn
Y Đôn, dân tộc Bahnar, người làng Chai, xã Yang Bắc, khu 7, nay là xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai. Đại đội phó, Đại đội 70, Tiểu đoàn đặc công 408.
Y Đôn tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, nhập ngũ năm 1966, là một chiến sỹ đặc công rất gan dạ, có nhiều sáng kiến trong chiến đấu và đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Từ năm 1966 – 1969, ông đã tham gia đánh 37 trận, diệt 42 tên địch (trong đó có 20 lính Mỹ), phá huỷ 7 xe quân sự, thu 5 súng các loại. Vào sáng ngày 6 – 11 – 1969, trong trận đánh của Tiểu đoàn đặc công 408 vào cụm căn cứ hỗn hợp Mỹ Thạch, sau khi dùng súng B40 tiêu diệt được một hoả điểm của địch thì Y Đôn bị trúng đạn và hy sinh. Ngày 6 – 11 – 1978, liệt sỹ Y Đôn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ngày nay, trên quê hương ông, huyện Đăk Pơ, để tưởng nhớ người anh hùng, có một ngôi trường mang tên ông, Trường phổ thông trung học Y Đôn đã được thành lập theo Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 15 – 7 – 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai.
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945 – 2005
Nhớ Anh hùng Ksor Ôi của dân tộc JRai
Anh hùng Ksor Ôi (trái) cùng cán bộ Công an Gia Lai tại Hội nghị Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1995. |
Ksor Ôi (1948 – 2004), dân tộc Jrai, quê xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, thượng uý, Phó trưởng công an huyện Krông Pa. Ngày tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: 22 – 8 – 1998.
Chiến tranh đi qua khá xa nhưng kí ức về những trận đánh anh hùng của một người con JRai ở núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ vẫn sống mãi với thời gianvà lắng sâu trong tâm trí của nhiều người. Đó là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ksor Ôi, còn có tên gọi khác là Ama Thế ở Krông Pa, GiaLai.
Anh hùng từ thuở còn thơ
Ksor Ôi là con trai duy nhất trong 3 người con của một gia đình nông dân nghèo ở buôn Ji, Krông Năng, Krông Pa, Gia Lai.
Thuở còn thơ, buôn Ji bị giặc Pháp xâm chiếm, cướp bóc, đàn áp, nhà nghèo và không có trường để học, Ksor Ôi không biết cái chữ nhưng có lòng căm thù giặc sâu sắc. Đến năm 17 tuổi, có cán bộ cách mạng đến bảo: “Ai muốn đi thoát ly để tham gia cách mạng?”. Trước đông đảo mọi người, Ksor Ôi giơ tay xung phong: “Tôi xin đi!”.
Năm1963 đi thoát ly, đến năm 1965, Ksor Ôi được chuyển sang Công an vũ trang. Ngay những ngày đầu học tập, trang bị kiến thức cơ bản về nghiệp vụ Công an, người thanh niên Jrai này đã sớm bộc lộ những năng khiếu võ thuật sẵn có. Những cú đấm, đá rất “thần” và gãy gọn, dứt khoát, khiến đồng chí đồng đội kính phục.
Anh hùng Ksor Ôi (trái) cùng cán bộ Công an Gia Lai tại Hội nghị Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1995.
Trận đánh đầu tiên mà Ksor Ôi nhớ nhất là vào năm 1966, lúc ấy được giao nhiệm vụ Trung đội phó, Tổ trưởng Tổ Trinh sát phụ trách 4 đồng chí, chuyên trách tình báo, ác ôn. Khi ấy có một tên Trung đội trưởng tình báo địch khét tiếng ác. Đã nhiều lần cấp trên giao cho bên huyện và tỉnh đội có kế hoạch đấu tranh nhưng không đạt kết quả.
Hôm đó khoảng 23 giờ, biết tên ác ôn về ngủ với vợ ở nhà riêng, Ksor Ôi cùng 4 anh em trong đội tiến hành bám sát mục tiêu tấn công. 4 đồng chí được bố trí 4 cửa, Ksor Ôi leo lên sàn nhà vào cửa chính. Cánh cửa được đạp tung, tên ác ôn không kịp trở tay nên đã vụt chạy ra ngoài. 4 đồng chí mai phục ở dưới sàn nhà đã nổ súng đồng loạt và rút rất nhanh. Ta đã thu được 1 súng AR15, 1 súng ngắn cùng 6 quả lựu đạn.
Trận đánh kết thúc, Ksor Ôi gặp các anh em tập trung tại điểm hẹn là bờ suối Ea Mlăh mừng thắng lớn, nhưng cũng nhắc nhở mọi người phải rút kinh nghiệm: “Lần sau, chỉ huy chưa rút thì các đồng chí không được chạy trước!”.
Năm 1969, Ksor Ôi được giao nhiệm vụ Trung đội trưởng, nhưng đối với Ksor Ôi, không phải chuyện giết được bao nhiêu kẻ địch mà quan trọng hơn là đối xử với người Việt ở bên kia chiến tuyến như thế nào.
Một trận đánh khiến Ksor Ôi nhớ mãi đó là trận ở xã Ea Rmok vào khoảng năm 1972. Ksor Ôi cùng 2 đồng đội là Ksor Mal và Ksor Mriah không phải tốn 1 viên đạn nào nhưng 3 người đã bắt sống và cảm hóa 34 tên lính ngụy. Buổi sớm hôm đó, 34 lính ngụy đi càn qua địa bàn xã Ea Rmok. Thấy chúng rất đông nên Mal và Mriah nói nhỏ với Ksor Ôi: “Phải chạy thôi!”.
Ksor Ôi tuyên bố: “Không được! Phải bắt sống chúng nó!”. Mal và Mriah sửng sốt, không hiểu Ksor Ôi muốn nói gì. Nhưng rồi sau đó nghe Ksor Ôi rỉ tai với từng anh em một. Mal và Mriah ai cũng run run hồi hộp chờ lệnh. Khi đoàn lính giăng hàng rầm rập đi qua. Từ trong bụi rậm, Ksor Ôi bất ngờ phóng ra như tên bắn, siết chặt cổ tên lính đi giữa hàng có mang bộ đàm. Hai đồng đội Mal và Mriah lao ra chặn 2 đầu. Bọn lính nháo nhào chĩa súng vào người Ksor Ôi định bóp cò.
Ksor Ôi tuyên bố: “Nếu chúng bay giết tao thì tao chết cũng được, nhưng chúng bay thì không về được với vợ con đâu. Chúng bay bị bao vây cả rồi!”. Cả lũ nhìn nhau, không ai nói gì. Ksor Ôi bảo tiếp: “Ai hàng thì tháo đạn ra khỏi súng lên núi xếp hàng”. Ksor Ôi chỉ tay vào gốc cây:”Bỏ hết súng xuống đó”. Lừ đừ từng tên một buông súng và đến vị trí đầu hàng. Ksor Ôi bắt bọn chúng xếp hàng ngay ngắn trên núi rồi tuyên bố:”Họp!”. Bọn lính mặt mày tái mét, im răm rắp nghe Ksor Ôi nói: “Hôm nay tha cho tất cả, nếu mai mốt còn nghe Mỹ chống lại cách mạng nữa thì sẽ giết chết hết”. Cả 34 tên lính lủi thủi, tay không trở về đồn. Nghe kể lại, chỉ huy của chúng bắt nhốt cả lũ vào buồng giam vì cái tội: “Đi họp Việt cộng”…
Ksor Ôi đã chỉ huy và tham gia khoảng hơn 100 trận lớn nhỏ, tiêu diệt gần200 tên địch, bắt sống và cảm hóa nhiều đối tượng, thu về cho cách mạng 61 súng, hàng ngàn viên đạn và nhiều trang bị quân sự khác… Tên tuổi của Ksor Ôi đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, được đồng chí đồng đội tin yêu,mến phục. Ksor Ôi được tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 3/8/1995.
Nặng tình với dân nghèo
Đến năm 1975, đất nước đã hoàn toàn độc lập, Ksor Ôi trở về tiếp tục với nhiệm vụ mới là Phó trưởng Công an huyện Krông Pa, chỉ huy lực lượng An ninh nhân dân, làm tốt công tác bảo vệ an ninh cho nhân dân trong những ngày đầu giải phóng. Lúc này còn phải đối mặt nghiệt ngã với bọn phản động FULRO, nhưng với trí thông minh và lòng quả cảm, Ksor Ôi đã tiếp tục lãnh đạo lực lượng Công an ở huyện nhà đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đến năm 1982, Ksor Ôi nghỉ hưu về lại buôn Ji bắt tay vào cuộc sống mới. Ksor Ôi bảo với bà con: “Khi xưa buôn mình nghèo vì không có đất để làm ăn, không biết khoa học kỹ thuật để canh tác, nay có cách mạng giúp rồi dân mình phải cố gắng làm ăn chứ”. Anh vừa vận động vừa phải làm cho bà con thấy để họ làm theo. Mỗi năm gặt về cho gia đình cả chục tấn lúa, bà con nhìn lúa đầy bồ hỏi Ksor Ôi: “Ayong (anh) chỉ cho mình làm với!”.Thế là một người, hai người rồi đến nhiều người… Ksor Ôi giải thích cho cả dân buôn Ji biết cách làm lúa nước và từ đó không phải đói nữa.
Ksor Ôi khuyên mọi người: “Phải kết hợp trồng trọt với chăn nuôi cho có cái ăn cái để”. Bà con trong làng nhìn đàn bò, heo, gà hàng chục con của gia đình Ksor Ôi ai cũng thấy sướng cái bụng nên học cách làm theo. Ksor Ôi còn phải đến từng nhà vận động mọi người cho trẻ đến trường, nhờ vậy mà buôn Ji bây giờ đã xua tan cái đói, cái dốt…
Cuộc sống vẫn chưa yên vì bọn phản động vẫn luôn tìm cách chống phá cuộc sống yên lành của bà con. Chúng lén lút đến rỉ tai lừa phỉnh bà con theo cái gọi “Tin Lành Đê ga” để được chia đất nhiều hơn, không làm mà được hưởng sung sướng… Buôn Ji phần lớn dân không theo, nhưng cũng có ít người lười lao động lại ham tiền nên theo. Ksor Ôi biết chuyện nên đến tận nhà khuyên giải những người lầm lỗi nhận ra lẽ phải, không nghe theosự lừa phỉnh của bọn phản động FULRO.
Năm2004, tuổi cao sức yếu, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ksor Ôi đã ra đi về với “thế giới người hiền”. Dẫu không còn sống nữa nhưng sự cống hiến và tình cảm của anh hùng Ksor Ôi vẫn luôn in đậm trong trái tim đồng chí, đồng đội và người dân Tây Nguyên.
Nguồn:CAND
Nhân vật anh hùng tiêu biêu
Puih Thu
Puih Thu, dân tộc Jrai, Xã đội trưởng xã E14, khu 5, nay thuộc xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Người du kích anh hùng của núi rừng Tây Nguyên
Ở Gia Lai, những người anh hùng trong thời chống Mỹ còn sống bây giờ chỉ còn vài người, trong đó có Kpuih Thu. Ông là người dân tộc Jrai, Xã đội trưởng du kích xã E14, nay là xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Trong những năm tháng đánh giặc cứu nước, vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, đội du kích xã E14 do ông chỉ huy thường xuyên chặn đánh địch trên quốc lộ 14. Puih Thu là một du kích quả cảm và mưu trí, ông thường xuyên di chuyển trên những tuyến đường có địch. Trong tầm mắt kẻ thù, chúng chỉ thấy một người đàn ông Jrai đóng khố, cởi trần, chiếc gùi nhỏ trên lưng, tay cầm con dao nhỏ như một người đi rừng tìm rau, hái nấm. Chúng không thể biết là ở cổ chân ông còn có sợi dây thừng đang kéo lê một khẩu súng, đến những nơi có bụi cây rậm, Puih Thu giả ngồi nghỉ và chờ đến lúc thuận lợi bắn diệt các xe quân sự Mỹ. Ông đã thực hiện mưu kế này ở nhiều đoạn đường khác nhau. Chỉ trong ba tháng cuối năm 1966, Puih Thu đã bắn cháy trên 10 chiếc xe quân sự Mỹ. Không chỉ một mình đánh địch, ông còn hướng dẫn và chỉ huy du kích xã liên tục bám đường đánh địch không biết bao phen làm kẻ thù khiếp sợ.
Tên tuổi người Xã đội trưởng Kpuih Thu gắn với những trận đánh du kích ở Ia Hlốp, Ia Ko (Chư Sê) đã vang dội cả chiến trường Tây Nguyên. Ngày 5-5-1965, Kpuih Thu được Uỷ ban mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người anh hùng đầu tiên của tỉnh Gia Lai trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau khi nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Kpuih Thu càng thấy trọng trách của mình nặng nề hơn, ông đã không ngại gian nguy, thường xuyên bám địa bàn cơ sở, chỉ huy anh em du kích ở các làng, xã cách đánh hay để tiêu diệt địch. Nhờ vậy mà phong trào du kích ở Tây Nguyên ngày càng lớn mạnh và đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách, đi đến trận đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Những dòng ký ức
Nhớ chuyện thuở xưa, một hôm ở làng, Kpuih Thu nghe có người bảo: “Đất nước này là của dân tộc Việt Nam, Pháp xâm chiếm ta đánh Pháp, Mỹ xâm lăng ta đánh Mỹ!”. Lúc ấy Kpuih Thu chưa hiểu nhiều đến chuyện lớn lao nhưng thấy quê hương mình không được bình yên bởi giặc Mỹ xâm chiếm, đàn áp, cướp bóc và giết chết cả người thân của mình nên Kpuih Thu kiên quyết:”Phải đánh!”. Thế là Kpuih Thu xin được làm giao liên, rồi tham gia du kích ở E14 (xã Ia Hlốp, Chư Sê, Gia Lai bây giờ).
Vào du kích được một năm, Kpuih Thu được bầu làm Xã đội phó rồi sau đó được giao trọng trách Xã đội trưởng du kích xã Ia Hlốp. Kpuih Thu kể rằng, anh em du kích lúc ấy ở Tây Nguyên còn thiếu vũ khí nên ông đã hóa trang thành người dân nghèo đi bán chuối rồi lợi dụng lúc giặc sơ hở, Kpuih Thu lấy trộm súng và lựu đạn về phát cho anh em để đánh giặc.
Nhớ nhất là trận đánh năm 1963, Kpuih Thu chỉ huy anh em phục kích chặn đánh địch ở Chư Sê, quốc lộ 14, trên đường giặc đưa quân từ Đắk Lắk sang Gia Lai. Gần chục chiếc xe tải chở đầy quân với vũ khí hiện đại nhưng chúng bị anh em du kích xã chỉ một khẩu súng và nỏ mà tiêu diệt gần hết.
Rồi liên tiếp những năm 1963-1964, Kpuih Thu chỉ huy anh em du kích địa phương phục đánh các đồn, ấp, tiêu diệt nhiều lính địch, mở rộng vùng kháng chiến. Kpuih Thu thường khuyên nhủ anh em du kích rằng: “Chúng ta phải học cách đánh hay và lòng gan dạ của Bok Núp. Người Tây Nguyên không thiếu trí thông minh và lòng gan dạ, chúng ta phải đánh cho quân giặc kinh sợ và đừng bao giờ dám xâm lược đất nước Việt Nam nữa!”.
Trong dòng ký ức bao năm tháng, Kpuih Thu nhớ về một trận đánh khác làm cho địch kinh hoàng khiếp vía, ấy là năm 1964, khi cuộc họp của cán bộ xã đang diễn ra ở Ia Hlốp thì phát hiện có 2 máy bay trực thăng Mỹ ập đến. Kpuih Thu căn dặn anh em: “Kpuih Thu có súng bắn cho nó rơi xuống, còn anh em chuẩn bị nỏ tiêu diệt từng tên còn sống sót”. Nói xong, Kpuih Thu nhảy nhanh như sóc lên cây gòn rồi áp súng vào thân cây ngắm thẳng về hướng chiếc trực thăng bay tới mà nhả đạn. Tiếng súng vừa dứt, một vệt sáng lóe lên, chiếc trực thăng lảo đảo và rơi trong mịt mù khói đen.Thất bại nhục nhã nên sau vài giờ đồng hồ, quân giặc cho gần chục xe tăng cùng lính đổ bộ xuống càn quét dân làng để trả thù. Kpuih Thu cho anh em du kích tạm rút lui về nơi trú ẩn, còn một mình Kpuih Thu ở lại đặt mìn, tiếp tục tiêu diệt thêm một xe tăng và 6 lính Mỹ.
Không nhớ hết các trận đánh du kích ở đây, nhưng bằng tinh thần mưu trí, dũng cảm, chỉ trong vòng từ 1961-1965, Kpuih Thu đã trực tiếp chỉ huy và cùng anh em du kích xã Ia Hlốp phục đánh địch hàng trăm trận, tiêu diệt nhiều lính Mỹ và quân chính quyền Sài Gòn, phá hủy nhiều phương tiện quân sự của giặc, khiến quân thù khiếp sợ.
Anh hùng giữa đời thường
Hòa bình lập lại, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpuih Thu trở về với cuộc sống đời thường, chăm lo làm ăn và xây dựng cuộc sống mới ở buôn làng. Ông đã trở thành hạt nhân tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi, giúp đỡ người dân trong làng biết cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Năm nay đã bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng Kpuih Thu vẫn không một giờ ngơi nghỉ. Thường ngày, ông vẫn đôi chân trần thoăn thoắt, nhanh nhẹn với công việc nương rẫy. Người dân ở làng Te Yỗ, xã Ia Hlốp, luôn tâm đắc ngợi khen: “Kpuih Thu đánh giặc giỏi,làm kinh tế cũng giỏi”.
Sau hơn ba mươi ba năm nước nhà thống nhất, dù tuổi cao, sức yếu nhưng độ sắc sảo của người du kích Tây Nguyên vẫn không hề suy giảm, Kpuih Thu vẫn gắn mình vì sự bình yên cho buôn làng. Ông bảo: “Mình sống ở làng khó khổ mấy về vật chất cũng chịu được nhưng không chịu nổi cảnh dân mình bị bọn phản động FULRO lừa phỉnh”. Trong những năm tháng ở Chư Sê, Gia Lai bọn phản động FULRO hoạt động mạnh, Kpuih Thu đã đi vận động nhân dân không nghe theo lời kẻ xấu. Để làm gương cho dân làng, KpuihThu cho hai người con trai học hành tử tế và tình nguyện về công tác ở Công an huyện Chư Sê, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho dân làng. Điều ấy, có phải chăng Kpuih Thu xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo trên quê hương Tây Nguyên, lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, bom đạn của kẻ thù ngày đêm cày xới nên ông thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ nhục của người dân mất nước.
Ông khuyên con cái mình và những người thân: “Dù đổi thay sung sướng hay gian khổ cũng phải luôn giữ gìn cái gốc con người, cái gốc của người cán bộ là gần gũi với nhân dân và giúp đỡ mọi người trong những hoàn cảnh khó khăn”. Và đó cũng là cái gốc của lòng nhân ái trong con người Anh hùng Kpuih Thu, trọn một đời vì cách mạng, vì nhân dân.
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945 – 2005
Báo Công an nhân dân
Puih San
Puih San (A Sanh), người dân tộc Jrai, quê làng Nú, xã B13, khu 4, nay là xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.
Puih San thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng từ tháng 2 – 1958. Năm 1963, khi Mặttrận B3 thành lập tuyến đường C07 Tây Bắc, Puih San được điều về công tác trên tuyến đường này. Nhiệm vụ của ông cùng với những người đồng đội (chủ yếu là anh em người Jrai được tuyển chọn tại địa phương, có sức khoẻ và thông thạo địa bàn) là chèo đò chuyển hàng hoá, vũ khí, bộ đội từ Mặt tận B3 vượt sông Pô Cô vào Mặt trận B2 và chuyển thương binh từ mặt trận tiền phương về phía sau trong điều phải tuyệt đối giữ bí mật, làm việc hết sức mình để hàng hoá không bị ùn đọng trên bến. Việc chèo đò thường được thực hiện vào ban đêm, còn ban ngày phải giấu thuyền dưới nước cùng tham gia gùi hàng với bộ đội và dân công. Có mùa mưa, nước sông cuồn cuộn gầm gào, địch lại đánh phá liên tục, đêm đến chúng còn thả pháo sáng, tung biệt kích, thám báo vào lùng sục nhằm phát hiện lực lượng quân ta. Để tránh địch, có đêm những người lái đò trên khúc sông này phải di chuyển bến vượt tới 4, 5 lần. Khó khăn ác liệt nhưng những người lái đò vẫn tranh thủ từng giờ, từng phút, địch đánh chỗ này, ta rời bến qua chỗ khác, bằng mọi giá đưa hết bộ đội qua sông trong đêmtrước khi trời sáng. Năm 1968, Puih San được vinh dự được đi báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua của Mặt trận B3 và của miền. Tháng 3 – 1970,ông bị thương nên được đưa ra miền Bắc điều trị và học tập. Năm 1975, ông trở về quê hương (xã B13, nay là xã Ia Krái, huyện IaGrai).
Ngày 22 – 8 – 1998 ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Puih San (A Sanh) đã trở thành hình tượng âm nhạc trong bài hát Người lái đò trên sông Pô Cô của nhạc sĩ Cầm Phong .
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai 1945 – 2005