NƠI HỘI TỤ NHỮNG GIÁ TRỊ DI SẢN TÂY NGUYÊN

Ngày đăng: 30-03-2020 | 07:39 Sáng

(GLO)- Sẽ có 2 triển lãm diễn ra song song (từ ngày 29-11 đến 2-12) trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai. Nếu triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là một cuộc ngược dòng tìm về với những giá trị vĩnh cửu của di sản nhân loại thì triển lãm tranh, tư liệu về cuộc đời của họa sĩ Xu Man-cánh chim đầu đàn của mỹ thuật đương đại Tây Nguyên-sẽ khiến người xem rung động bởi vẻ đẹp thuần khiết của nghệ thuật đích thực.
 ​​

 

Giá trị vĩnh cửu
 
Triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức trên đường Anh hùng Núp. Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan-Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh-cho biết: Hội đồng đã chọn 110 ảnh/400 ảnh của các tác giả gửi về tham gia triển lãm. Trong số ảnh được chọn triển lãm, có 20 ảnh tư liệu và 90 ảnh nghệ thuật của nhiều nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu văn hóa, dân tộc học.
 
Vòng xoang ngày hội.        Ảnh: Hùng Hoa Lư
Vòng xoang ngày hội. Ảnh: Hùng Hoa Lư
 
Với tiêu chí là ảnh nghệ thuật nhưng tái hiện chân thực Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hội đồng tuyển chọn đã rất đắn đo, bởi đây phải là những tác phẩm không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn có giá trị về thông tin. Đặc biệt, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia gửi tới 50 ảnh tư liệu của các nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu, học giả người Pháp, trong đó có những hình ảnh quý giá về các dân tộc bản địa. Một số ảnh đen trắng được chụp từ cuối thế kỷ XIX vừa mang vẻ đẹp giản dị, nguyên bản, vừa chứa đựng những thông tin cực kỳ giá trị. Người xem chỉ có thể tìm thấy một Tây Nguyên đẹp hoang sơ, thuần khiết với những sinh hoạt đậm tính cộng đồng, chứa đựng những giá trị nhân văn vĩnh cửu qua những hình ảnh như vậy.
 
Triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” do đó còn là một cuộc ngược về quá khứ đi tìm thời gian đã mất, đi tìm một Tây Nguyên với những giá trị văn hóa đã trở thành di sản quý giá của nhân loại. Để có được những hình ảnh này, cũng phải nói đến vai trò của những nghệ sĩ nhiếp ảnh gạo cội như Trần Phong, Phạm Dực… và một số nhiếp ảnh gia trong khu vực, với những năm tháng lặn lội ở khắp các buôn làng, âm thầm tích lũy để mang đến cho người xem những góc nhìn hoàn toàn chân thực về đời sống, về văn hóa qua những góc nhìn nghệ thuật và nhân bản. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có thể đã phai nhạt ít nhiều bản sắc nhưng giá trị cốt lõi của di sản là một thứ giá trị vĩnh cửu được xác tín bởi thời gian. Triển lãm vì thế sẽ làm thỏa mãn những ai yêu mến văn hóa Tây Nguyên.
 
“Xu Man, những gì còn lại…”
 
Song song với sự kiện trên là triển lãm đặc biệt về một người nghệ sĩ đặc biệt của Tây Nguyên: Họa sĩ Xu Man. Được xem là cánh chim đầu đàn của mỹ thuật đương đại Tây Nguyên, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật nhưng đây lại là triển lãm đầu tiên của ông trên mảnh đất được sinh ra. Triển lãm trưng bày 150 tranh, ảnh, tư liệu về người nghệ sĩ tài hoa này. Trong đó, có những tranh, ảnh tư liệu cực kỳ thú vị như: ảnh Xu Man gặp Bác Hồ năm 1962, tranh tự họa năm Xu Man 31 tuổi, giấy khen từ năm 1965 của họa sĩ…
 
Một tác phẩm của họa sĩ Xu Man về chủ đề Bác Hồ với Tây Nguyên.
Một tác phẩm của họa sĩ Xu Man về chủ đề Bác Hồ với Tây Nguyên.
 
“Những còn lại” của Xu Man là gì? Đây cũng là câu hỏi rất nhiều người đặt ra khi tìm hiểu về ông. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Xu Man vẽ hàng ngàn tác phẩm nhưng ông không giữ lại cho riêng mình bức nào. Tác phẩm của ông thất lạc đâu đó giữa nhân gian. Nhưng chỉ qua những bức còn lại, trong đó có tranh được lưu giữ vĩnh viễn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số bức ông tặng lại cho bạn bè, giới mỹ thuật và các nhà nghiên cứu phải ngả mũ trước tài năng của ông. Cũng cần nói thêm rằng, đến nay, Xu Man là họa sĩ đầu tiên và duy nhất của Tây Nguyên có tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ông còn là họa sĩ đầu tiên của khu vực nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
 
Cao Duy Lĩnh-một nghệ sĩ vẽ nhiều về đề tài Tây Nguyên thừa nhận: Tranh của Xu Man mãi mãi là một tượng đài với lối vẽ không giống ai, không bắt chước bất kỳ ai và cũng không ai có thể bắt chước, đặc biệt là lối vẽ không gian đồng hiện. Còn trong Từ điển họa sĩ Việt Nam (Nhà xuất bản Mỹ thuật), nhà phê bình Quang Việt đã nhận xét về tranh Xu Man: “Tác phẩm của ông thường là những bố cục rất đông người, với vô vàn họa tiết trang trí gắn trên kiến trúc, trang phục, đạo cụ, tạo nên những cảnh tượng vui tươi, náo nhiệt mà không kém phần tôn nghiêm, giữa không gian bao la của núi rừng cao nguyên hoang dã”.
 
Với con mắt thưởng lãm thông thường, người xem sẽ cảm nhận một thứ rất thực trong tranh Xu Man: Đó chính là vẻ đẹp trong veo, thuần khiết của thiên nhiên và con người Tây Nguyên.
 
Dù vậy, triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về Xu Man với chủ đề “Những gì còn lại…” có thể sẽ mang đến những nuối tiếc cho người xem. Bởi gia tài đồ sộ, đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật của Xu Man giờ còn lại không nhiều. Nhưng cũng để người ta hiểu rằng, những gì còn lại càng nên được trân quý, nâng niu nhiều hơn.
 
 
 

Minh Châu-GLO