Văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên

Ngày đăng: 08-02-2020 | 22:04 Chiều

Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hoá cồng chiêng là tài sản vô giá. Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên không những là một giá trị nghệ thuật đã từ lâu được khẳng định trong đời sống xã hội mà còn là kết tinh của hồn thiêng sông núi qua bao thế hệ. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là “tiếng nói” của con người, của thần linh theo quan niệm vạn vật hữu linh.
 

 Ảnh: Nguyễn Giác
Ảnh: Nguyễn Giác

 

Ở nhiều dân tộc thiểu số Tây Nguyên, trong các hoạt động mang tính nghi lễ, tiếng chiêng thường đi kèm với lời cúng và múa chiêng để cầu gọi các thế lực siêu nhiên. Ở tộc người Jrai, dàn chiêng arap có 13 chiếc thường dùng vào tang ma, chiêng kơm và chiêng trum dùng trong lễ rước thần lửa. Đối với các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, để biến những bộ cồng chiêng từ giá trị vật chất đơn thuần trở thành vật thiêng, dân làng phải tiến hành nhiều nghi lễ mang đậm dấu ấn tâm linh. Trong đó đáng kể là lễ đón “hồn chiêng”-lễ cuối cùng trong hàng loại các nghi lễ được tiến hành nhằm đưa “xác chiêng” được nhập hồn và trở thành chiêng thiêng. Việc sử dụng cồng chiêng như thế nào và trong những lễ hội gì cũng đều được người dân tộc thiểu số Tây Nguyên tuân thủ theo những qui định rất nghiêm ngặt.

Với các dân tộc bản địa Tây Nguyên, không gian văn hoá để lưu giữ và phát triển âm nhạc chiêng cồng là không gian thiêng. Về hình thức không gian này là không gian của của rừng núi hoang dã, của buôn làng đơn sơ bên những dòng suối, ngọn núi, rừng cây. Nhưng điều quan trọng bậc nhất là trong không gian ấy có các vị thần cùng chung sống, chỉ có không gian riêng mới có thể sinh ra tiếng chiêng thiêng. Bên cạnh đó, trong không gian ấy, con người với tư cách là một thực thể của vũ trụ chính là tầng dưới đang hướng về một cõi thiêng nằm ngoài vũ trụ, bởi thế trong các buôn làng truyền thống của Tây Nguyên, khi già làng và thầy cúng làm lễ cúng chiêng trước khi mang thứ nhạc cụ vào lễ hội, mọi người có mặt quanh đó đều phải im lặng và mắt hướng về phía ngọn lửa với lòng thành tuyệt đối. Đến lúc chiêng được mang vào hội, nghĩa là được sự đồng ý của thần linh, khi những âm thanh trầm bổng dồn dập cất lên thì mọi người đều phải vào vòng xoang với niềm hân hoan tưởng như bất tận. Có thể nói trong không gian thiêng ấy, thế giới thần linh luôn hiện hữu cùng với những hoạt động của con người.
 

Tháng 3- Tây Nguyên. Ảnh: Gia Lai
Tháng 3 Tây Nguyên. Ảnh: Gia Lai

Đồng bào Tây Nguyên tin rằng tiếng chiêng chính là ngôn ngữ con người dùng để giao tiếp với thần linh, với tổ tiên, với siêu nhiên và để xua đuổi tà ma. Tiếng chiêng đánh dấu những chặng đường đời, gắn bó với vòng đời của một con người, từ khi đứa trẻ mới sinh ra nó được cộng đồng thừa nhận bằng lễ “thổi tai” với âm thanh của một chiếc chiêng cổ nhất của làng. Đứa trẻ lớn lên đến tuổi trưởng thành, nam giới đánh cồng chiêng và nữ giới múa theo trong các nghi lễ cộng đồng như lễ gieo hạt, lễ cầu an cho lúa, lễ cốm mới, lễ gặt mùa, lễ đóng cửa kho lúa. Tiếng cồng chiêng ngày cưới, tiếng cồng chiêng lên nhà mới vừa xua đi tà ma, vừa ngây ngất men rượu cần toả ra vẻ nồng say của hạnh phúc và yên vui. Đến khi con người nằm xuống và trở về với đất, có tiếng cồng chiêng buồn thảm đưa họ đến nhà mồ. Trong lễ bỏ mả vẫn tiếng cồng chiêng đưa dẫn linh hồn trở về với cộng đồng tổ tiên. Cồng chiêng  thúc giục trai đinh trong chiến đấu, cồng chiêng hát ca trong lễ đâm trâu mừng thắng trận và cồng chiêng  trầm hùng hoà với giọng hát kể sử thi. Cồng chiêng  có mặt trong mọi nghi lễ quan trọng của con người và cộng đồng. Dòng cồng chiêng quyện với dòng đời người chính là như vậy.

Nếu trong các buôn làng ngày xưa, cồng chiêng thường chỉ được sử dụng trong các ngày lễ lớn của gia đình, dòng tộc hoặc buôn làng thì nay không gian địa lý để cho chiêng cất lời đã trở nên phổ biến tại những đô thị với các lễ hội mà yếu tố hội hầu như chiếm phần lớn.

Cho đến ngày nay, dù trong bất cứ không gian nào thì cồng chiêng Tây Nguyên vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật đặc sắc, độc đáo và là một trong những di sản đã được UNESCO công nhận là “kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”. Bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá, tinh thần của nghệ thuật cồng chiêng nói riêng và văn hoá Tây Nguyên nói chung là trách nhiệm của những ai yêu mến nền văn hoá cổ sơ của dân tộc, từ đó khẳng định những giá trị đích thực về cuộc sống mà cha ông ta đã để lại cho con cháu đời sau.

(Theo Tây Nguyên trên đường phát triển)