Có một Tây Nguyên thu nhỏ ở Đồng Xanh
Ngày đăng: 07-02-2020 | 11:16 Sáng
Có diện tích 8ha, công viên Đồng Xanh được bao phủ bởi một màu xanh của cây cỏ, những cánh đồng và là nơi tập hợp các tư liệu văn hóa – lịch sử không chỉ của Gia Lai mà của cả Tây Nguyên hùng vĩ. Với thiết kế khá công phu, tinh tế qua những điểm nhấn, công viên Đồng Xanh còn được coi là một bức tranh thu nhỏ của núi rừng Tây Nguyên, mang đầy đủ những đặc trưng truyền thống trong cuộc sống thường nhật của đồng bào nơi đây: Mô hình kiến trúc nhà mồ, nhà rông, nhà dài. Qua truyền thuyết, những công trình này còn kết hợp với những hoa văn, họa tiết được tổng hợp và cách điệu trên biểu tượng Đài cảnh Tây Nguyên. Vào những dịp lễ tết, du khách còn được hòa mình vào không khí tưng bừng của các hoạt động sinh hoạt lễ hội cộng đồng của các buôn làng đồng bào dân tộc Tây Nguyên trong tiếng vọng của đại ngàn: Tiếng đàn T’rưng nước, tiếng cối giã gạo, âm thanh của dàn cồng chiêng…
Ngay ở cổng chính công viên, du khách đã được đón tiếp bởi hai chú voi con làm bằng đá, tượng trưng cho việc người Tây Nguyên rất giỏi trong việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng để trở thành con vật trong nhà. Theo từng viền cỏ trên lối đi, từng hàng cây trên thảm cỏ được chăm chút cẩn thận. Cây ở Đồng Xanh tượng trưng của núi rừng Tây Nguyên đều được chọn lựa đem về. Đặc biệt, công viên Đồng Xanh là nơi lưu giữ nhiều hiện vật gỗ hóa thạch thuộc loại lớn và có niên đại rất cao. Du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây cổ thụ hóa thạch hơn một triệu năm tuổi lớn nhất Việt Nam, được tìm thấy tại miệng núi lửa đã ngưng hoạt động ở xã Chư A Thái, thị xã Ayunpa. Những thớ đá nổi rất đẹp, kỳ ảo và ấn tượng thực sự là một sản phẩm vô giá mà thời gian đã ban tặng cho con người Tây Nguyên. Tiếp tục khám phá công viên Đồng Xanh, du khách còn bắt gặp tượng Vua Nước (Pờ Tau La) và Vua Lửa (Pờ Tau Pui) – hai vị vua linh thiêng của các dân tộc Tây Nguyên. Nhờ có hai vị vua “tối cao” này mà cuộc sống của đồng bào suốt bao nhiêu qua được sung sướng, bình an.
Cây cổ thụ hóa thạch hơn một triệu năm tuổi lớn nhất Việt Nam được tìm thấy tại miệng núi lửa đã ngưng hoạt động ở xã Chư A Thái, Thị xã Ayunpa đặt tại công viên.
Tượng 18 vị vua Hùng đặt trước Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương.
Mô hình chùa Một Cột với tỉ lệ và kiến trúc giống y hệt bản gốc.
Tượng Vua Lửa (Pờ Tau Pui).
Mô hình nhà Rông và cây Nêu được dựng trong khuôn viên Đồng Xanh.
Mô hình kiến trúc nhà mồ, nhà rông, nhà dài trong khuôn viên Đồng Xanh.
Đàn T’rưng nước với âm thanh réo rắt dễ làm say lòng người.
Đồi tượng gỗ với các bức tượng được đẽo và chạm khắc hoàn toàn thủ công.
Khu Bonsai hình thú, cũng là nơi trưng bày các loại động vật hiếm và đặc trưng của tây Nguyên.
Hướng dẫn viên trong trang phục truyền thống của dân tộc Gia-rai.
Công viên Đồng Xanh cũng là địa điểm lý tưởng cho du khách đến đây tham quan và tham gia các trò chơi.
Hàng năm, công viên Đồng Xanh đón tiếp hàng chục vạn lượt khách du lịch là nhân dân các huyện, thị trong tỉnh Gia Lai, cũng như người dân các tỉnh lân cận Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk… về tham quan và tham gia vui chơi giải trí.
Ngoài những công trình mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên, công viên Đồng Xanh hiện cũng được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình văn hóa tâm linh hướng về cội nguồn. Nơi đây, du khách có thể tìm thấy những xúc cảm yên bình khi thành kính bái lạy trước Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây dựng với kiến trúc truyền thống, mái nhà rông cách điệu cao 18m. Trong điện thờ là tượng Quốc tổ Hùng Vương tạc bằng gỗ cao 6m, nặng gần 3 tấn sơn son thếp vàng; phía trước điện thờ là tượng 18 Vua Hùng đứng uy nghi.
Hàng năm, công viên Đồng Xanh đón hàng chục vạn lượt khách du lịch là nhân dân các huyện, thị trong tỉnh Gia Lai, và cả người dân các tỉnh lân cận Kon Tum, Bình Định, Đắk Lắk… về đây tham quan và tham gia vui chơi giải trí với nhiều hoạt động như: du thuyền, bơi lội, đạp vịt, câu cá… Nhiều gia đình cũng thường chọn Đồng Xanh như một điểm đến cuối tuần vì không gian nơi đây không chỉ lý tưởng cho nghỉ dưỡng mà còn có khu dịch vụ ẩm thực – nhà hàng đặc sản truyền thống dân tộc Đồng Xanh chuyên phục vụ du khách những món ăn truyền thống Tây Nguyên như: Cơm lam, rượu cần, rượu ghè, thịt rừng nướng…
Với không gian cùng các hạng mục cảnh quan đặc sắc của văn hóa bản địa Bắc Tây Nguyên, công viên Đồng Xanh đã từng được chọn làm nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa quan trọng như: Thi tạc tượng; các hoạt động lớn của Festival Cồng chiêng Quốc tế tại Gia Lai năm 2009 (trình diễn cồng chiêng, chỉnh chiêng, giao lưu, giã bạn); giao lưu gặp mặt các anh hùng và Mẹ Việt Nam anh hùng trong hành trình từ Nam ra Bắc dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội…
Trước khi ra về, hướng dẫn viên là thiếu nữ người dân tộc Gia-rai trong trang phục thổ cẩm truyền thống với đáy mắt long lanh chỉ có nơi núi rừng Tây Nguyên, đã tình nguyện làm mẫu trước ống kính cho chúng tôi, sau một buổi cùng nhau tham quan, tìm hiểu và giới thiệu không gian văn hóa công viên Đồng Xanh. Rồi bên thác nước reo như hơi thở của đại ngàn, những khuôn hình cứ như đang mê hoặc hay đang níu chân chúng tôi rời khỏi một chốn thần tiên như thế này, như Lưu Thần – Nguyễn Triệu lạc bước Thiên Thai thuở nào…/.