Gia Lai: “Thanh bình” chiều hồ Tân Sơn

Ngày đăng: 09-03-2020 | 09:01 Sáng

Khi những vạt nắng cuối cùng dần tắt, khung cảnh hồ Tân Sơn (xã Tân Sơn, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) mang vẻ đẹp thân quen nhưng cũng thật khác lạ. Xa về phía Tây loang trên mặt hồ mênh mông, ráng chiều đỏ rực, mặt trời chầm chậm xuống núi, cảnh tượng không kém phần hùng vĩ.

Khung cảnh hồ Tân Sơn

Nhà cửa, làng xóm, ghe xuồng, đơm đó dần dần chuyển sang màu tím thẫm. Tháp chuông chùa Bửu Minh ( xã Nghĩa Hưng) xa xa chỉ còn vươn cao phần mái uốn cong cùng với nóc nhọn đặc trưng của công trình tôn giáo. 

Tháp chuông chùa Bửu Minh ẩn hiện

Hoàng hôn giăng phủ cũng là lúc hoạt động đánh bắt cá trên hồ bắt đầu diễn ra. Những chiếc xuồng bé tí bỗng xuất hiện, xen giữa tiếng động cơ chạy xuồng là tiếng mái chèo lách cách đuổi cá trên sông, tiếng nước ỳ oạp vỗ bờ. Hoạt động này kéo dài trong 3-4 tháng mùa khô và kết thúc khi vào mùa mưa.

Hoàng hôn giăng phủ cũng là lúc hoạt động đánh bắt cá trên hồ bắt đầu diễn ra

Những vuông lưới cỡ 10 x 10 mét cách bờ không dưới trăm mét lơ lửng cố định trên cao, bây giờ ngư dân dùng tay và chân điều khiển trục quay cho dầm mình xuống nước cùng với mồi nhử, chỉ còn nhô lên phần đầu dây buộc ở 4 góc.  

Hoạt động đánh bắt cá trên hồ

Đốm sáng trắng giữa những vuông lưới là ánh điện thu hút cá tôm. Chúng được thắp lên từ những bình ắc quy và sáng như vậy cho đến hết đêm. Những mẻ lưới lúc có lúc không, chủ yếu là cá trắng và rô phi. Chúng rất ngon, rất sạch và đều nổi tiếng như nhau. 

Đốm sáng trắng giữa những vuông lưới là ánh điện thu hút cá tôm

Hồ cách trung tâm TP.Pleiku chừng 15 km về phía Bắc, 4 mặt giáp 4 xã: Tân Sơn và Biển Hồ (TP.Pleiku) về phía Đông và Nam; phía Tây và Bắc lần lượt giáp xã Nghĩa Hưng và Chư Đang Ya (Chư Pah).

Mùa mưa, hồ Tân Sơn rộng đến 300 ha, sâu 7-8 mét; còn mùa khô diện tích hẹp hơn, sâu chừng 4-5 mét. Đây là hồ B, đón nhận một phần nước từ Biền Hồ A (Biển Hồ nước) chủ yếu để tưới hơn 6 ngàn ha cà phê của xã Ia Sao, huyện Ia Grai.

Khai thác mặt nước bằng nghề chài lưới, đơm đó, nhiều đời nay, hồ Tân Sơn là sinh kế của hàng trăm hộ dân sinh sống quanh vùng, cùng với nghề trồng rau, làm cà phê, lúa nước… 

Dãy Chư Nâm xa xa ẩn hiện

Thất Sơn – Báo Gia Lai