Kinh nghiệm du lịch Gia Lai chi tiết từ A-Z
Ngày đăng: 29-02-2020 | 09:04 Sáng
Gia Lai – vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió với thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ. Vẻ đẹp cảnh quan, nhịp sống và con người của mảnh đất này luôn hấp dẫn và để lại dấu ấn khó phai cho những ai từng đặt chân đến. Hành trình sắp tới của bạn liệu có lưu dấu chân tại đây? Hãy cùng GiaLaiTourist khám phá ngay kinh nghiệm du lịch Gia Lai trọn vẹn từ A-Z để chuyến đi thêm trọn vẹn và ý nghĩa nhé!
Nên đến Gia Lai vào thời điểm nào trong năm?
Gia Lai thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa nên có độ ẩm cao, lượng mưa lớn, thời tiết không có bão và không có sương muối. Khí hậu chia làm hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Trong đó mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Mùa mưa thường có mưa lớn vào buổi sáng hoặc cả ngày nên sẽ gây khó khăn cho việc di chuyển, đi lại.
Vì vậy, thời điểm cuối năm vào khoảng tháng 11 – 12 là khoảng thời gian thuận lợi cũng như phù hợp nhất bởi đây là lúc lúa chín vàng trên các nương đồi, hoa dã quỳ nở vàng rực các nẻo đường cũng làm cho núi rừng Tây Nguyên rực rỡ hơn.. Đây cũng là khoảng thời gian mà người dân tộc tổ chức các lễ hội truyền thống của họ như: Lễ mừng lúa mới, lễ ăn cơm mới, liên hoan cồng chiêng, lễ hội cúng làng cuối năm hay lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mả…
Ngoài ra, cuối tháng 2 – tháng 3 là mùa hoa cà phê nở trắng trời Tây Nguyên, rất phù hợp với những bạn trẻ ưa check-in hay khám phá thiên nhiên nữa đấy.
Di chuyển bằng phương tiện gì?
Hiện tại Gia Lai có sân bay nên những bạn ở Hà Nội, Đà Nẵng hay Tp.HCM có thể book chuyến bay trực tiếp đến sân bay Pleiku bằng hãng Vietnam Airlines, còn tại T.HCM sẽ có thêm 2 sự lựa chọn cho bạn là Vietjet và Jestar với mức giá tiết kiệm.
Ngoài máy bay, thì bạn còn có thể đến Gia Lai bằng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy nếu xuất phát từ TPHCM hoặc các tỉnh lân cận. Nếu đi xe khách đến Gia Lai, ban có thể đến bến xe Miền Đông để bắt xe. Hiện có rất nhiều hãng xe chạy chuyến TPHCM- Gia Lai. Bạn sẽ mất khoảng 14 tiếng di chuyển, các hãng xe thường đi vào buổi tối để sáng ngày hôm sau là tới nơi. Khi tham các điểm tại Gia Lai các bạn có thể đi xe máy hay thuê xe ôtô nếu đi theo nhóm đông người.
Đến Gia Lai có rất nhiều phương tiện để bạn lựa chọn, khám phá thành phố nhưng có hai hình thức phổ biến nhất là xe bus và taxi:
+ Taxi: Mai Linh: 0269 3717979, taxi Hùng Nhân: 059 3717171, và taxi Phú Quý: 059 3872777
+ Xe máy: bạn có thể thuê xe máy vi vu khám phá với giá chỉ từ 200k/ ngày
+ Xe bus: Với phương tiện công cộng tại Gia Lai này bạn có thể đi một số chuyến sau với giá từ 10-30k: Pleiku – Kon Tum, Pleiku – Ia Grai, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Puh, Chư Prong…
Ở đâu khi đến Gia Lai?
Hầu hết các địa điểm tham quan đều ở thành phố Pleiku, hoặc không quá xa thành phố. Do đó, bạn có thể đi trong ngày rồi về thành phố Pleiku để nghỉ ngơi. Dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn ở đây giá cũng rất hạt dẻ nên bạn yên tâm để lựa chọn nơi nghỉ ngơi cho bản thân nhé.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo khách sạn Tre Xanh tọa lạc tại 18 Lê Lai, thành phố Pleiku, nằm trung tâm thành phố với giá chỉ từ 400.000₫/đêm dành cho 1 người.
Đi chơi ở đâu tại Gia Lai?
Nhà tù Pleiku
Nằm tại phường Diên Hồng – Tp.Pleiku. Nhà tù này được thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1925, thời gian đầu chỉ giam những người dân tộc. Cho đến năm 1940, nơi đây dùng làm nhà giam tù chính trị. Từ ngày 15/3/1975, một số tù chính trị ở đây phá ra ngoài, cùng với một bộ phận vùng ven đón quân ta từ Trà Bá vào giải phóng thị xã Pleiku (hiện là thành phố Pleiku). Nơi đây vẫn còn lưu giữ nhiều di tích của nhà tù xưa.
Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Địa danh này nằm trên địa phận của 3 huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Kbang của tỉnh Gia Lai (cách Tp. Pleiku khoảng 50 km).
Hiện ban quản lý vườn quốc gia hiện đang tổ chức các chuyến du lịch như sau:
– Tuyến du lịch sinh thái đường mòn thiên nhiên
– Tuyến chinh phục đỉnh Kon Ka Kinh (cao 1.748m)
– Tuyến du lịch sinh thái tham quan, nghiên cứu động vật hoang dã (theo tuyến ngắm động vật hoang dã như: lợn rừng, khỉ, hươu, sóc bay,..)
– Tuyến du lịch sinh thái nghỉ dưỡng
– Tuyến du lịch sinh thái nhân văn
Biển Hồ
Nằm phía Tây Bắc của Tp.Pleiku. Còn có nhiều tên gọi như: hồ Tơ Nưng, hồ Ea Nueng, hồ Tơ Nueng. Biển Hồ xưa kia từng là một miệng núi lửa, nhưng đã Ngừng hoạt động từ mấy triệu năm trước. Hồ rất rộng có diện tích lên tới hơn 228ha, do đó người địa gọi là Biển Hồ.
Biển Hồ Chè
Biển Hồ Chè thực chất là một phần của biển Hồ, nhưng nơi đây được trồng nhiều chè nên được gọi là Biển Hồ Chè. Nằm trên cung đường đi Kontum, qua con đường Hàn Quốc do người dân ở đây tự đặt, hai bên đường có 2 hàng cây, xung quanh là đồi chè, đây là nơi được rất nhiều bạn trẻ tới đây chụp hình, khung cảnh hết sức thơ mộng như ở Hàn Quốc.
Thác Phú Cường
Thuộc địa phẫn xã Dun – thị xã Chư Sê (cách Tp.Pleiku 44km). Thác Phú Cường được xem là con thác cao nhất cùng Tây Nguyên với độ cao khoảng 45m, nước đổ từ trên núi xuống con suối La Peet. Các bạn có thể tắm ở dưới suối, nhưng phải hết sức cẩn thận. Ở đây cũng có cung cấp dịch vụ thuê thuyền Thiên Nga, với giá từ 40.000đ/ 20 phút. Nhưng mới chỉ có 5 cái thuyền đưa vào phục vụ thôi.
Thủy điện Yaly
Nằm giữa núi đồi Tây Nguyên hùng vĩ, nhà máy thủy điện Yaly nằm bên dòng sông Sê San, thuộc địa bàn xã Ialy, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, là một hệ thống công trình hiện đại và đồ sộ, vừa lộ thiên vừa ẩn mình trong lòng núi. Con đường từ quốc lộ 14 vào nhà máy được trải nhựa đen nhánh, phẳng lỳ, nằm giữa những khu dân cư đông đúc, những cánh rừng cao su xanh ngắt, những dãy biệt thự cổ kính, đẹp như tranh vẽ. Hiện nay, nơi đây vẫn là điểm đến du lịch thú vị đến đây, du khách có dịp thăm nhà máy thủy điện, ghé bản làng dân tộc Gia Rai, đi thuyền ngược dòng sông Sê San ngắm cảnh núi và thưởng ngoạn không khí núi rừng Tây Nguyên.
Quảng trường Đại Đoàn Kết
Được mệnh danh là trái tim của Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết tọa lạc giữa trung tâm thành phố, gần quốc lộ 14 là một trong những công trình trọng điểm của thành phố Pleiku. Quảng trường rộng 12 ha, nổi bật với bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tựa lưng vào Hàm Rồng – mô phỏng đỉnh cao nhất của cao nguyên Pleiku. Phía sau tượng là bức phù điêu được tạc trên đá trắng, tái hiện khung cảnh và cuộc sống người dân Tây Nguyên. Trước khu tượng đài là những bãi cỏ được xén ô vuông như quảng trường Ba Đình.
Chùa Minh Thành
Là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Tây Nguyên, Minh Thành không chỉ là niềm tự hào của người dân phố núi mà còn là địa điểm tham quan hấp dẫn của Pleiku. Đặc biệt, không giống như những ngôi chùa khác mang đặc trưng của phật giáo Tiểu thừa, chùa Minh Thành chịu ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản. Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng.
Núi lửa Chư Đăng Ya
Núi lửa Chư Đăng Ya nằm cách trung tâm phố núi Gia Lai khoảng 30 km về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, ẩn mình giữa rừng xanh, đại ngàn hùng vĩ. Mỗi mùa Chư Đăng Ya lại quyến rũ du khách bằng một nét riêng: vào mùa mưa, Chư Đăng Ya được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng, còn đến mùa khô, hàng vạn đóa hoa dã quỳ bung nở khắp sườn núi thu hút du khách khắp nơi tìm về.
Ăn gì ở Gia Lai?
Phở Khô Gia Lai
Món này có tên gọi khác là phở hai tô, vì khi thưởng thức, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, gồm bánh phở và nước súp. Khi thưởng thức phở khô, bạn sẽ chủ động gia giảm nêm trộn theo khẩu vị. Gắp một đũa phở cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị dai ngọt của sợi phở, thơm đậm đà của tương, giòn của giá và ngọt thanh của nước lèo.
Bún mắm cua Gia Lai
Đây là món ăn rất đặc biệt, ai chưa biết ăn khi ngửi mùi sẽ có cảm giác lạ. Nhưng khi đã biết ăn rồi thì nó trở thành món ăn không thể nào quên được. Để có một bát bún mắm cua ngon, người làm cũng hết sức kỳ công mới chế biến ra được món ăn này.
Măng chua rừng Gia Lai
Trong những miếng ngon của rừng, măng chua cũng là một món ăn khoái khẩu tại Gia Lao. Măng tươi giã dập với ớt rồi đem ủ trong chộ sành, khoảng hai tuần sau, măng chua đến độ vừa dùng. Miếng măng giòn tan, cả nước lẫn cái đều có vị chua, cay, đắng, ngọt. Ăn một lần là nhớ mãi không quên.
Muối kiến vàng Gia Lai
Loại muối độc nhất vô nhị – món ngon Gia Lai, làm từ loại kiến vàng rừng vùng Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai) có thể khiến nhiều người lắc đầu nguầy nguậy khi nhìn. Nhưng nếu đã nếm qua hương vị hoang sơ này một lần thôi, sẽ hiểu vì sao, lên Gia Lai, nhất định mua muối kiến vàng về làm quà hoặc ăn dần.
Bò một nắng Gia Lai
Bò một nắng cũng như những sản vật khác của miền cao thường tập trung về phố núi Krông Pa, một huyện cửa ngỏ miền núi tỉnh Gia Lai sát cạnh cao nguyên Sơn Hoà tỉnh Phú Yên. Miếng bò mang hương vị của núi rừng trầm mặc đã trở nên đậm đà, phong phú bởi hơi hướm mặn mà khẩu vị xứ biển. Sự giao hoà miền núi và miền xuôi đó mà thành cái tên “bò một nắng hai sương”.
Lẩu lá rừng Gia Lai
Đến với Gia Lai đại ngàn, ngoài thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người thân thiện chắc chắn bạn sẽ còn cảm nhận được Tây Nguyên qua những chiếc lá. Đó không chỉ là hương vị mà thiên nhiên dành tặng cho con người mà còn là hương vị của quê hương, xứ sở thông qua món đặc sản của đồng bào Gia Lai đó là lẩu lá rừng.
Mỗi loại lá đều được lựa chọn rất nghiêm ngặt, điều quan trọng nhất là chúng không có độc tố, không phản ứng lẫn nhau. Lẩu lá rừng chính là kinh nghiệm từ ngàn đời của đồng bào dân tộc bản địa được đúc kết. Đặc biệt, mỗi loại lá đều chứa đựng trong mình những chất dinh dưỡng đặc biệt, có tác dụng tốt đối với sức khoẻ.
Lời Kết
Trên đây là những kinh nghiệm du lịch Gia Lai chi tiết từ a-z mà GiaLai Tourist tổng hợp. Hi vọng, sắp tới nếu bạn có ý định đi khám phá vùng đất Tây Nguyên này thì hãy ghi nhớ những kinh nghiệm trên để có một chuyến đi tự túc vui vẻ và trọn vẹn nhé!